Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

QUÂN ĐỘI TRƯỞNG THÀNH


Dẫu chặng đường đầy vất vả khó khăn
Quân đội ta vẫn mạnh như vũ bão
Từ Biên cương cho đến miền Hải đảo
Cờ tung bay theo nhịp bước quân hành

Bảy mốt năm cùng xây dựng trưởng thành
Quân đội ta ngày nối ngày hùng mạnh
Người Anh cả nay trở thành vị thánh
Niềm tự hào dân tộc Việt Nam ta

Tôi viết vần thơ hết thảy ngợi ca
Người lính cụ Hồ trung kiên lý tưởng
Dốc sức đồng lòng cùng chung chí hướng
Bảo vệ quê hương con lạc cháu hồng

Giữ vững Sơn Hà trọn vẹn non sông
Cho đất Việt  rạng danh toàn thế giới
Hướng tương lai trên con đường đi tới
Vững chữ đồng Tổ quốc trọn niềm vui.

22/12/2015
Bùi Văn Thanh


Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

NẮNG ĐÔNG

Bâng khuâng vạt nắng ngày đông
Choàng lên xao xuyến ấm nồng hương lan
Rộn ràng nhạc tấu chứa chan
Thênh thang nhịp bước vô vàn đó đây
Nắng đông sưởi ấm hao gầy
Đợi mong bao nỗi chật chầy bến mơ

Phòng loan gửi mấy vần thơ
Ngân vang khắp nẻo…đẹp bờ xuân sang
Đường xưa xóm nhỏ rộn ràng
Hương đời bừng tỏa khẽ khàng muôn phương
Say trong đáy ánh mắt hường
Nắng đông mãn nguyện miền thương ngọt ngào.

6/12/2015

Bùi Văn Thanh
Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

SẦU ĐÔNG



Vời trông lãng đãng mây sầu
Vấn vương bao nỗi vọng sâu xô bờ!

Cách cò mỏng liệng bơ vơ
Đồng hong sợi gió hật hờ vạc xiêu
Bồ nông rũ dáng cô liêu  
Nuôi đàn con háu… đủ chiêu lần hồi
Vạc, cò… sợ toát mồ hôi
Đồng không đủ kiếm miếng mồi nuôi thân

Bóng chim tăm cá thưa dần
Nhà hoang lợi thế… thị phần lẳng lơ!?

5/12/2015


Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

NỖI NHỚ THÁNG 12



Tháng mười hai, tháng cuối năm
Thời gian vẫn thế âm thầm lặng trôi
Nụ cười hé nở trên môi
Sầu đông khép lại xuân thời trào dâng!

Nỗi niềm luống những bâng khuâng
Như duyên kì ngộ dưới vầng trăng ngân
Tiếng xuân xao xuyến xa gần
Sao lòng thao thức… tần ngần lạ thay?

Biết là từ ấy đến nay
Thuyền xa bến vắng tháng ngày nhớ nhung
Thế gian rộng quá mịt mùng
Dài thêm nỗi nhớ khôn cùng người xưa


3/12/2015


Mơ cùng một tối trăng thanh
Nàng thu níu lại... trong lành tiếng thơ
Mắt soi sáng giữa đôi bờ
Cho tình ta đẹp mộng mơ với đời


1/12/2015
Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

TẶNG LAN


Một nhành lan trắng tặng riêng ai
Để nhớ để thương ... tiếng thở dài
Lắng đọng tâm hồn say khóe mắt
Hương đời rạo rực sáng ban mai


30/11/2015

CHIỀU ĐÔNG


Hoàng hôn choàng kín lưng đồi
Lòng se nỗi nhớ, chân bời miền mong
Chạnh lòng cái rét đầu đông
Phòng loan lẻ bóng sầu trông phượng hoài
Thôn đông cho tới thôi đoài
Tháng năm vò võ trong ngoài em chăm!

Ô hay! Đã mấy mươi năm?
Người vung sung túc, em chằm nong tơ
Nỗi niềm gửi lại tình thơ
Sầu đông o ép  xay bờ tâm can
Dãi dầu sóng gió nhân gian
Gãy từng sợi bạc nặng làn mây trôi

Chiều đông lặng lẽ lưng đồi
Hoàng hôn choàng xuống bóng tôi đâu rồi?

30/11/2015

Bùi Văn Thanh

BÁC ƠI!



Bác ơi ! thưa Bác như rày:
Bộ môn lịch sử kiểu này ... "tan ca"
Lời bác "ta biết sử ta"
Giờ không cần nữa.. ấy là... điềm chăng?

Bây giờ Bác ở trong lăng
Có nghe nhức nhối cõi lòng hay không?
Bác ơi hãy tỉnh giấc nồng
Cứu đàn con cháu Lạc Hồng Bác ơi!

26/11/2015

Bùi Văn Thanh

ĐUỐC TUỆ

Bát cửu muôn phương rộn tiếng ca
Thi huynh, bạn hữu đã chung nhà
Hòa đồng nghĩa cả cùng tâm huyết
Đuốc tuệ cao tần tỏa ánh xa

29/11/2015
Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

THĂM LÀNG



Ngày về thăm lại làng tre
Đường xưa vườn cũ chiều hè khói lam
Nhẹ nhàng vương gió nồm nam
Lúa chiêm vừa gặt hương rơm dịu dàng
Sơn khê nhộn nhịp ngỡ ngàng
Sáo ngân ngọt lịm rộn ràng xuyến xao
Giọng quê đầm ấm ngọt ngào
Nước chè xanh chát dạt dào hồn quê
Sợi thương, giọt nhớ, câu thề
Xa xôi luôn nhớ đường về tuổi thơ
Lắng nghe điệu ví, hò ơ…
Tình quê đắm thắm câu thơ dâng tràn
Nông trang tình nghĩa chứa chan
Năm mươi năm ấy vô vàn yêu thương
Đất cha quê mẹ cương thường
Thanh Nho vững bước, Thanh Chương tự hào.

25/11/2015

Bùi Văn Thanh
Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

LÊN TRỜI



Lên trời chạm chén cùng mây
Tỉnh say, say tỉnh cả ngày lẫn đêm
Mời trăng cùng uống môi mềm
Mời sao tám hướng, mời thêm Ngọc Hoàng.

Phận nghèo vẫn phải chơi sang
Rượu tây, nho ngọc... chọn hàng cầm tay
Sau rồi tỉnh, tỉnh lại say
Thưa ngài thượng đế... thế này thỏa chưa?
Lên trời ngang dọc làng mưa
Ngược xuôi động gió... mới vừa mới hay

Đánh trần vắt áo cành mây
Treo giày mắt bão... ngất ngây cõi đời
Mấy khi đã được lên trời
Thôi thì xả láng... kịp thời thượng lưu
Mai về ái ái ưu ưu
Làm ăn tung hứng mẹo mưu rộng bờ...

Giật mình tỉnh giấc màng mơ
Chõng tre chiếu mộc ... thẫn thờ muỗi vây
Ơ hay vẫn ở nhà đây!
Tay quờ quạt rách... lòng day dứt lòng
Tiếc hoài giấc điệp đang hồng
Trách con muỗi đốt làm ông giật mình.

24/11/2015

Bùi Văn Thanh.

SÔNG GIĂNG



Đức, Mỹ, Hạnh, Nho, Hòa, Liên, Tiên, Thịnh
Hai tiếng quê hương ngọt ngào thao thiết
Nơi dòng sông Giăng hiền hòa chảy miết
Hướng biển xuôi dòng chở nặng phù sa
Nước xanh trong tắm mát đất quê nhà
Hương sông quyện xuyến xao tình xứ sở.

Thanh Chương ơi! Đất lành muôn chim ở
Ngọn gió nào cũng lưu luyến nồng say
Con sông Giăng cứ chảy mãi tháng ngày
Mặc mưa nắng, lở bồi vẫn yên bình cần mẫn
Thuở chiến tranh cũng một thời lận đận
Sông gồng mình che chở những làng tre.

Xa bao mùa nay ta trở về quê
Dào dạt trong tim chứa chan câu ví giặm
Sông núi ôm ấp nghĩa tình sâu thẳm
Ta đắm mình nghe khúc nhạc xa khơi
Con sông quê vẫn trong tiếng ru hời
Theo chân bước mọi nẻo đường xa lắc

Cầu Thanh Đức nối đôi bờ tít tắp
Thoáng trong lòng nhớ bến cũ đò xưa
Khấp khởi cầu treo ta tới chợ Chùa
Thăm chùa Linh Chung. Đốt nén hương trầm mặc
Lắng đọng tình người thơm vị Nhút hồn quê

Sông Giăng ơi! ta xao xuyến vụng về
Thương giọt nhớ sau mỗi lần xa cách
Thác Muối đầu nguồn thu gom luồng lạch
Mạch nước ngầm hướng biển nhớ sườn non
Thuở ấu thơ bến nước … đặng vuông tròn
Hương phù sa góp phần sinh sôi nảy nở
Đất cổ linh thiêng nhịp nhàng hơi thở
Thơm ngát tình quê Sông Giăng vọng muôn đời!

23/11/2015
Bùi Văn Thanh

* Đức, Mỹ, Hạnh, Nho, Hòa, Liên, Tiên, Thịnh* Là tên các xã có sông Giăng chảy qua.
** Chung Linh Tự hay còn gọi là chùa Chung Linh tọa lạc tại rú Chùa, xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh







Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

LỖI HẸN


(Thay lời những người lính  Hải đảo – Biên cương)

Thêm một lần lỗi hẹn với thầy cô
Ngày hai mươi em chẳng về  bến nhớ
Tháng mười một lung linh vườn hoa nở
Phương xa vời  bỗng “mắc cỡ” vần thơ

Những thầy cô đã dạy dỗ nên người
Em kính trọng suốt đời tri ân mãi
Hiểu lòng rưng mỗi lần chưa trở lại
Bóng thầy cô đọng mãi trái tim trò

Đã bao lần lỗi hẹn với thầy cô
Tràn nỗi nhớ vẫn chưa về thăm được
Vai ba lô, tay súng trường tiếp bước
Giữ biển trời cho đất nước bình yên

Các thầy cô là cha mẹ dịu hiền
Dõi bước chân trên mọi miền Tổ Quốc
Tiếp thêm sức bao đàn em thân thuộc
Sáng bừng lên những ngọn đuốc thần kỳ

Lỗi hẹn rồi thôi xin các thầy cô
Hiểu chúng em vẫn bến bờ nhung nhớ
Giữa trùng khơi bao đêm trường trăn trở
Sợ tiếng lòng lơ đãng vỡ màn sương

Em biết rằng thầy cô mãi yêu thương
Bởi trái tim luôn tỏa hương nhân hậu
Nhịp đò ngang ân cần yêu  bến đậu
Thầy cô người luôn hiểu thấu tình chung.

20/11/2015







Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

VỊ QUÊ

Nơi đất mẹ Thanh Nho yêu dấu
Càng xa càng thấu hiểu tình quê
Thuần nông chân chất mọi bề
Yêu thương nhớ hẹn nhau về Phong Sơn
Đặc sản trám thơm ngon béo bổ
Giống hồ tiêu hạt nhỏ thơm cay
Người về thỏa thích đắm say
Hương tình dào dạt… nơi này quê tôi
Chè xanh chát kính mời khách quí
Vại nhút chua tinh túy vị quê
Nếp nhà xinh chốn Sơn khê
Trà Phong tiền khởi… mô tê rộn ràng
Cam chanh quí ruột vàng thơm ngọt
Vạc, sắn bùi rờm vọt cũng ghen
Thập phương khách đến thầm khen
Quê hương tươi đẹp… vững nền tương lai
23/10/2015


Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

SUY NGẪM VỀ MỘT BÀI THƠ “CẢ NHÀ KHÁNG CHIẾN”

 

Bác Hồ Viết thơ ca ngợi Phụ nữ, đó là tình cảm và tấm lòng rộng mở đầy thương yêu của Bác. Đọc nhiều thơ của Bác thì cơ bản là Bác luôn thể hiện sự quan tâm, cảm thông sâu sắc tới người phụ nữ, quan tâm nhất vè sự hy sinh mất mát, quan tâm đến sự bình đẳng, quan tâm về sự giáo dục, quyền lợi của người phụ nữ.Đồng thơi Bác cực kỳ quan tâm tới sự hy sinh thầm lặng, sự chịu đựng thiệt thòi của phụ nữ, đòi hỏi sự công bằng xã hội. Do vậy bác đã đấu tranh để giải phóng phụ nữ, thực hiện bằng được quyền tự do bình đẳng và sự phát triển toàn diện của người phụ nữ

Bác Hồ luôn luôn biết tận dụng mọi cơ hội kể cả trong nước và Quốc tế, tranh thủ mọi thông tin, mọi phương diệu đấu tranh nhắm bảo vệ Phụ nữ, nó đã trở thành một động lực mạnh mẽ, một nhân cách thực thụ, những chủ đề về người phụ nữ thì bác hồ hết sức quan tâm và chú trọng, trong các tác phẩm thơ ca, văn xuôi cũng vậy Bác luôn quan tâm sâu sắc tời vấn đề về Phụ nữ.

Ngoài những bài thơ của Bác hồ đã được in trên các sách báo mà tôi đã được đọc, được học, thì tôi còn được đọc một bài thơ của Bác Hồ được một đồng chí sinh hoạt cùng chi bộ chép tay mang tới. Một bài thơ tứ tuyệt lục bát tôi đọc có 2 lần là thuộc ngay. Quả đúng là Bác Hồ có một tấm lòng đầy rộng mở, yêu thương hết mực, một sự thấu hiểu tường tận, một sự cảm thông sâu sắc, một sự động viên khéo léo, nó thể hiện tấm lòng cao cả vô biên của Bác Hồ, một tứ thơ xuất phát từ trái tim yêu thương, đồng cảm.

Cái tình thương bao la của Bác nó bao trùm lên khắp thế giới, đi đến đâu cũng được nhân dân yêu mến, dành cho Bác những tình cảm đẹp đẽ nhất.

Vào thời kỳ mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã kêu gọi phụ nữ: Bây giờ cơ hội đã gần/Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân cứu nhà/Chị em cả trẻ lẫn già/Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh/Đua nhau vào Hội Việt Minh/Trước giúp nước sau giúp mình mới nên. (Ca phụ nữ)

Đúng là trong tình thế cấp bách Bác đã rất khéo léo kêu gọi phụ nữ cùng góp sông sức để giải phong dân tộc, giải phóng  khỏi ách nô lệ, giải phóng chính mình. Bác biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, sức mạng và tài năng của phụ nữ Việt Nam. Trong thơ của bác  thì sự sống dậy của những trang sử hào hùng của dân tộc, mà không thể không nói đến những nữ tướng lừng danh như Bà Trưng, Bà Triệu, Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Anh Hùng mạc Thị Bưởi…

Trở lại với bài thơ mà đồng chí Mai Sơn cho tôi đọc với nội dung:

Nhan đề “Cả nhà kháng chiến”

Con đi đi, đi đi con/ Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng/ Bao giờ kháng chiến thành công/ Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai. (bút danh C.B)

Theo như lời  Bác Mai Sơn(Nguyễn Huy Khoa) thì đây là bài thơ của Bác Hồ viết tặng cụ Nguyễn Thị Đào(tên thường gọi theo chồng là cụ Nguyễn Thị Vĩnh), nhân chuyến về thăm gia đình cụ tại Tam Đảo- Vĩnh Phúc. Cụ Vĩnh là mẹ ruột của Bác Mai Sơn, cụ sinh cùng năm với Bác Hồ (1890) tại làng Lã Điền thuộc huyện Mỹ Lộc (Nam Định). Mẹ sinh được 6 người con, 5 trai, 1 gái - cả 6 người đều là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp; trong đó, 5 người con trai từng được mệnh danh là “Ngũ hổ” núi rừng Tam Đảo, lần lượt là Nguyễn Huy Minh (bí danh là Thạch Sơn), Nguyễn Huy Mục (bí danh là Tam Sơn), Nguyễn Huy Tân (bí danh là Ngân Sơn), Nguyễn Huy Văn (bí danh là Kim Sơn), Nguyễn Huy Khoa (bí danh là Mai Sơn).

Bài thơ của Bác ý thay lời cụ Vĩnh dạy bảo các con của cụ như vậy.

Đọc xong bài thơ tôi thuộc ngay và tôi đã đọc cho rất nhiều người nghe, kể cả một số giáo viên dạy văn, họ cũng bảo chưa được đọc bài thơ này của Bác bao giờ. Một bài thơ qúa hay, quá sâu sắc của Bác hồ nhưng tại sao lại không được đưa vào sách vở? càng đọc tôi càng thấy hay và thấm thía.

Tâm sự cùng Bác Mai Sơn thì được biết hiện nay bác đang làm mọi thủ tục đẻ nhà nước truy phong danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho cụ Nguyễn Thị Đào, Cụ đã vì dân vì nước dâng tất cả 6 người con cho Tổ quốc. Cụ thật xứng đáng là một bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đối với gia đình Cụ Nguyễn Thị Đảo thì có thể viết lên đây hàng vài ba chục trang giấy chưa chắc đã hết công lao giúp đỡ cách mạnh trong hai cuộc khách chiến trường kỳ của dân tộc. Mà ở đây tôi muốn đi sâu về bài thơ là chính.

 Lời thơ trong thơ đó là lời của một người mẹ nói riêng, và cũng là lời của những bà mẹ nói chung, và cũng chính là lời của non nước, của tình nhà nghĩa nước gắn bó , hòa quyện với nhau, tiền tuyến với hậu phương là một, một niềm tin yêu tuyệt đối mãnh liệt.

Chỉ có 3 từ viết đi, đảo lại: Con đi đi, đi đi con. Sao mà hay đến thế, tuyệt vời đến thế, cao thượng đến thế.

Con đi đi, lời người mẹ rất nhẹ nhàng, khuyên bảo, nhưng đi đi con nó như một mệnh lệnh khấn cấp, mạnh mẽ dứt khoát được bật ra trong tinh thần yêu nước vô hạn. Chỉ có người mẹ có tấm lòng cao thượng, giàu lòng nhân ái thì mới nói được như vậy, bởi lẽ khuyên con, lệnh cho con ra đi khi nước sôi lửa bỏng, toàn dân tộc đang bị áp bức bóc lột của bạn đế quốc thực dân, của bè lũ cướp nước và bán nước. Trước tình thế đó mẹ đã không ngần ngại khuyên bảo và ra lệnh cho con phải đi và đi ngay để đánh Tây, cứu nước non nhà. Lời thơ như một  lời hiệu triệu thôi thúc lòng người. Dẫu mẹ biết rắng các con của mẹ đi đành tây, là đi vào nơi nguy hiểm , mà có thể là hy sinh, mẹ sẽ mất đi những đứa con rứt ruột đẻ ra. Nhưng mẹ hiểu rằng Tổ quốc là trên hết, phải biết cống hiến hy sinh vì sự tự do độc lập, vì sự sinh tồn của con cháu Lạc hồng.

Một sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo tài tình của Đảng, một niềm tin chiến thắng của phía chính nghĩa, và hy vọng một ngày chiến thắng các con mẹ được trở về bêm mái ấm gia đình, nơi làng quê núi rừng nhỏ bé, một ước mơ đơn sơ giản dị, rất đời thường của mẹ, thật đúng là một người mẹ hiền thục, không mơ ước quyền cao chức trọng, không cần đến sự đền đáp công lao của sự cống hiến hy sinh cho đất nước mà chỉ cần các con cu cứ đi, đi cho đến ngày kháng chiến thành công. Và sau cái ngày đó thì mẹ chỉ cần một điều hết sức giản dị: “Con về giúp mẹ ngoài đồng lúa khoai” đúng là một tấm lòng cao cả, đáng trân trọng.

Tôi nhớ lại Bác đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” quả đúng như vậy.

Về bài thơ thiết nghĩ cần phải đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho thế hệ con cháu.

21/10/2015


Bùi Văn Thanh

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

TUỔI NĂM NHĂM

TUỔI NĂM NHĂM

Năm nhăm đã đến quá vui mừng
Thiệp chúc xa gần mãi chẳng ngưng
Bạn hữu sum vầy duyên thắm đượm
Thi huynh cởi mở nghĩa tươi bừng
Thêm năm mạnh khỏe tiền tài thuận
Cộng tuổi an bình phúc lộc ưng
Cuộc sống muôn màu luôn thỏa nguyện
Năm nhăm đã đến quá vui mừng

16/10/2015


Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Ý ĐẢNG LÒNG DÂN



Con đường đổi mới dựng xây
Lòng dân ý đảng càng say càng nồng
Phất cao vút ngọn cờ hồng
Tinh thần đổi mới tỏ thông tận tường

Đời chẳng quản gió sương
Xây con đường đổi mới
Dưng xây đường đổi mới
Lòng dân luôn phấn khởi
Ý đảng mái rạng ngời
Ngôi sao sáng giữa trời
Đảng đưa đường dẫn lối
Đảng tiên phong dẫn lối
Quân dân không từ chối
Quystd chí với bền gan
Nhiệt huyết mãi dâng tràn
Xây quê hương giáu đẹp
Dựng nước nhà giàu đẹp

Việt Nam anh dũng kiên cường
Tưng bừng hội nhập con đường vinh quang
Non sông rạng rỡ huy hoàng
Lòng dân ý đảng  lại càng đắm say

Tay nắm chặt bàn tay
Quê đổi mới từng ngày
Hay lòng dân ý đảng
Đẹp lòng dân ý đảng

Cuộc đời thêm tỏa sáng
Kiêu hãnh với năm châu
Hòa nhập bước toàn cầu
Ơn sâu công Đảng- Bác
Nhớ công ơn Đảng - Bác

Lòng dân ý đảng đã thuần
Quê hương xô viết thấm nhuần càng sâu
Trải qua bao cuộc bể dâu
Bây giờ đổi mới dài lâu vững bền.

1/10/2015







NGƯỜI ÂM KỂ CHUYỆN


Cụ ông vừa chết được 3 ngày, trên đường về âm phủ gặp ngay cụ bà.
- Ông ơi! từ ngày tôi đi xa đến nay trên trần gian, gia đình mình có làm thêm được gì không?
- Bà ạ! Từ lúc bà đi đến giờ tôi chỉ làm  được có 3 chữ thôi.
- Chữ gì vậy ông?
- Bà có nhớ câu nói của Bác Hồ không?
- Có chứ, câu đó có chín chữ thôi mà làm sao tôi quên được.
- Ừ thì tôi lúc nào cũng nhớ trong tâm, quyết tâm thực hiện cho bắng được, nhưng cố gắng mãi mới làm được một phần ba.
- Chữ nào thì ông nói ngay đi, sốt ruột quá
- Ba chữ đầu đó bà.
- Không có gì.
- Đúng rồi
- Thôi thế cũng được, nếu có nhiều tiền của để lại, thì thằng lớn nó ăn nó phá hư thân.
- Bà biết không, hôm tôi nằm viện thằng cả nói...
- Nó nói sao?
- Nó nói với tôi, bố an tâm, con sẽ thay bố làm thêm một vài chữ nữa.
- Thế nó có nói chứ nào không?
- Thì cứ chữ tiếp theo đó mà làm
- Không có gì quí
- Nó mà cố gắng thê hai chữ thì tốt
- Không có gì quí hơn
- Thế cũng được, cứ thằng cháu đích tôn nó tự làm lấy, có nhiều tiền của cha ông để lại nó hư hỏng, nghiện ngập thì mất nòi, họ nhà ông mấy đời độc đinh rồi
- Bà biết không? hôm đó cháu đích tôn cũng đến thăm tôi, nó bảo thế này.
- Bảo sao, ông nói tôi nghe
- Nó nói ông và bố an tâm sau này đến tay cháu cháu thực hiện  mô hình BAD
- Ông có nghe nhầm không đây? VAC chứ.
- Nhầm làm sao nó nói chận to: BAD tôi nghe rất rõ mà.
- Thế BAD là mô hình gì mà lúc sống tôi chưa nghe nói đến?
- Mô hình mới đó bà, tôi cũng mới nghe đây thôi, chắc thằng cháu nó học được ở ngoài xã hội đó
-Ông đã hiểu ý  cháu chưa?
- Tôi hiểu rồi, BAD là "bán ăn dần"
- Ồ mô hình quá mới mẻ
- Có lẽ mình phù hộ cho nó chuyển đổi mô hình thôi
- Mô hình gì bà nói tôi nghe
- Mô hình BAS
- BAS là gì bà?
- Thì BAS là " Bán ăn sạch" đó.
Hai ông bà cùng cười và đi về phía tây phương.


1/10/2015
Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

NGHỆ AN QUÊ TÔI



* Hò.
Ai về đất Nghệ  An  tôi/ Quê hương cách mạng rạng ngời  đó đây
Hỡi người là người ơi!/Nghệ An xô viết  đắm  say/ Không ngừng phát triển đổi thay rỡ ràng
* Dặm
Có Đảng Bác đưa đàng/Cuộc sống mới sang trang/Nghệ An mình phát triển/ Mà không  ngừng phát triển
Từ núi rừng đến biển/Ruộng bãi lúa ngô xanh/Cây cối nảy mầm nhanh/Sáng nghĩa tình sâu nặng/ Đẹp nghĩa tình sâu nặng
* Hò
“Đường vô Xứ Nghệ quanh  quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” (ca dao)
Hỡi người là người ơi! / Nhớ xưa chỉ có sắn ngô/ Tinh thần cách mạng khi mô đứng đầu
 * Dặm
Lời khen ngợi bấy lâu/ Khắp bốn biển năm châu/ Quê hương bừng chói lọi/ Nghệ An bừng chói lọi
Ngày xưa khoai nửa đọi/ Bụng đói vẫn đi cày/ Đêm về bút trên tay/Quyết vươn bằng bè bạn/ Tiến kịp bằng bè bạn
Yêu đất mình vô hạn/ Đói nghèo cũng là quê/ Đi ngái phải nhớ về/Thăm miền quê cách mạng/ Tự hào quê cách mạng
Gặp gió Lào nắng hạn/ Gặp dông bão nước tràn/ Người dân vẫn chăm làm/ Cũng nhau xây sự nghiệp/ Đồng lòng xây sự nghiệp.
* Hò
Quê hương cách mạng bao đời/Nghệ  An xô viết thắm tươi sử vàng
*Dặm
Đường mở rộng thênh thang/ Bê tông hóa khắp làng/Trường điện trạm khang trang/Xóa đói nghèo no ấm/Từ nay dân no ấm
Thuở ba mươi nhịp trống/ Cờ đỏ rực muôn nơi/ truyền thống mãi rạng ngời/ Tự hào nôi cách mạng/ Nghệ An mình cách mạng
* Hò
Hỡi người là người ơi! / Thành Vinh tỏa sáng nghĩa tình / Nghệ An hào kiệt địa linh quê Người
29/9/2015
Bùi văn Thanh

NGHỆ AN QUÊ TÔI
( Làn điệu Ví - Giặm Giặm. dân ca Nghệ Tĩnh)

* Hò.
Ờ….ơ… Chư ai về… đất Nghệ  (mà) An …ơ… tôi. Chư Quê hương…ơ.. cách.. ơ mạng…( mà) rạng ngời …. đó … ơ đây.
Hỡi người là người ơi! Chư Nghệ An… xô viết.. (mà) đắm ơ say. Chư không ngừng phát triển… đổi thay…. Ơ… rỡ …ơ ràng.
* Dặm
Có Đảng Bác đưa đàng
Cuộc sống mới sang trang
Nghệ An mình phát triển
Mà không  ngừng phát triển

Từ núi rừng đến biển
Ruộng bãi lúa ngô xanh
Cây cối nảy mầm nhanh
Sáng nghĩa tình sâu nặng
Đẹp nghĩa tình sâu nặng

* Hò
Ờ… ơ … Chư Đường vô …Xứ Nghệ… ( mà) quanh ơ quanh. Chư non xanh nước ơ biếc… (mà) như tranh…. ơ họa ơ đồ.
Hỡi người là người ơi! Chư nhớ xưa chỉ có … ( mà) sắn… ơ ngô. Chư tinh thần cách ơ mạng… khi mô…ơ cũng đứng …ơ đầu.

 * Dặm
Lời khen ngợi bấy lâu
Khắp bốn biển năm châu
Quê hương bừng chói lọi
Nghệ An bừng chói lọi

Ngày xưa khoai nửa đọi
Bụng đói vẫn đi cày
Đêm về bút trên tay
Quyết vươn bằng bè bạn
Tiến kịp bằng bè bạn

Yêu đất mình vô hạn
Đói nghèo cũng là quê
Đi ngái phải nhớ về
Thăm miền quê cách mạng
Tự hào quê cách mạng

Gặp gió Lào nắng hạn
Gặp dông bão nước tràn
Người dân vẫn chăm làm
Cũng nhau xây sự nghiệp
Đồng lòng xây sự nghiệp

* Hò
ơ....ơ Quê hương.... cách  ơ.. mạng ...( mà) bao... ơ đời/ chư Nghệ  An.....ơ.. xô viết....( mà ) thắm tươi... ( trang) sử vàng

*Dặm
Đường mở rộng thênh thang
Bê tông hóa khắp làng
Trường điện trạm khang trang
Xóa đói nghèo no ấm
Từ nay dân no ấm

Thuở ba mươi( theo) nhịp trống
 Cờ đỏ rực muôn nơi
 truyền thống mãi rạng ngời
 Tự hào nôi cách mạng
 Nghệ An mình cách mạng

* Hò
Hỡi người là người ơi! Chư Thành Vinh ....ơ...tỏa sáng ...( mà) nghĩa....ơ.. tình / Nghệ An....ơ... hào.. ơ..kiệt... địa linh....(là) quê ...ơ... Người.

29/9/2015

Bùi Văn Thanh
Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

NỬA MÙA THU TRÔI QUA



Dịu dàng một nửa thu qua
Lá bàng nhuộm tím, cành đa nhuộm vàng
Ngày như khép lại vội vàng
Mơn man ngọn gió lang thang cuối mùa

Đêm ngồi đếm ánh sao thưa
Thả hồn mơ mộng cho xưa tìm về
Ơi người ở chốn sơn khê
Lòng còn vương vấn lời thề đa mang

Thu nào nhường chỗ đông sang
Để tình đắm mãi mộng vàng nơi đây
Heo may ru lá thu gầy
Bừng lên sức sống tháng ngày thanh tao.

23/9/2015




Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Cảm nhận TRĂNG LẦU của Bùi Thị Phương

Bài thơ:TRĂNG LẦU của Nhà thơ Bùi Văn Thanh, anh viết theo thể thơ Lục bát rất đúng niêm, luật. Đây là một bài thơ tình Phương Bùi cảm nhận rất hay nên đã múa rìu ...bình bài thơ cùng bạn đọc hiểu được cái hay, nét đẹp trong bài thơ này.
Trước hết ta bình hai câu đầu:
”Gió treo hương dịu sen nhài
Trăng lay phảng phất đan cài tiếng thơ”
Tôi cũng phải suy ngẫm mãi về hai từ “Gió treo” nói đến gió nếu không gió thì không phải là gió nữa, người ta thường nói gió thổi, gió bay, gió lay, gió hút, gió vù, gió mùa, gió phơn, gió chướng… Nhưng ở đây anh lại có gió treo quả là hay, vừa lạ lẫm cho nên nó đã làm tôi rất có ấn tượng với bài thơ ngay từ đầu.
Thế thì gió treo là ngọn gió nào? Có lẽ ai cũng muốn biết và muốn khám phá cái ngọn “Gió treo” của nhà thơ. Phải chăng gió mà không phải là gió, ngọn gió ảo hay ngọn gió thực? Theo suy nghĩ của tôi có lẽ lúc này xung quanh nhà thơ đầy rẫy một mùi hương dìu dịu của những đầm sen, mùi hương nhài man mác của những khóm hoa nhài đâu đây, những gì mà nhà thơ đang có đó đều do ngọn gió nào đưa đến, nhưng tại sao nó không tiếp tục mà lại dừng lại nơi đây, dừng lại xung quanh nhà thơ, phải chăng quyến rũ nhà thơ hay là dừng lại để đọc thơ. Bác Hồ, viết “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” còn đối với nhà thơ Bùi văn Thanh thì hương dịu đòi thơ? Hay là ngọn gió đòi thơ chăng? Dừng lại chờ đợi nhà thơ hoàn thành tác phẩm của mình, hay mải mê ve vãn mà quên đi là gió cần phải gió. Cũng có thể gió đến trước mặt Nhà thơ gió đứng lại không bay đi nữa bởi gió mang theo: Hương dịu sen nhài để mê hoặc nhà thơ, tăng cảm hứng cho nhà thơ, chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu thấu đáo được. Vậy là nơi tác giả ngồi sáng tác ta dễ dàng hình dung ra một bức tranh thơ mộng, ở đó không bị gò bó bởi gian phòng chật chội mà nó đã mở toang ra một không gian rộng lớn giữa lầu thơ và bên ngoài không gian thông qua những ô cửa sổ, có địa điểm cụ thể bên ngoài kia là những đầm sen ngào ngạt hương thơm, những vườn hoa đầy sắc thắm, những cành cây xanh mướt uyển chuyển trong làn gió thơm dịu hương sen nhài, trong lầu nhà thơ đang ngâm nga những câu thơ vừa sáng tác, tiếng ngân nga đó hòa quyện với hương thơ dìu dịu của hoa sen, hoa nhài mà được ngọn gió ban tặng, những hình ảnh đó tạo nên một khung cảnh huyền ảo thật nên thơ, chính lúc này trăng trong thơ tác giả là nét đẹp của một không gian lãng mạn, ở đây xin nói thêm có lẽ anh chọn hương sen và hương nhài là có ý riêng của nó, một là quốc hoa đó là hoa sen , hai là một loài hoa trắng tinh khiết quyến rũ là hoa nhài hai cái đẹp khác nhau nhưng đều biểu thị được cái đặc trưng của nó.

Tiếp câu 3 và câu 4:
“Chiều lam lam tím vườn mơ
Gót son xao xuyến... thỏa chờ người ơi”
Đọc lên chúng ta thấy ngay một không gian về một buổi chiều thơ mộng, khi hoàng hôn buông xuống khói lam chiều trên quê hương là những nét đặc trưng của vùng quê Việt Nam. Dưới con mắt người thi sỹ những cái đẹp đó họ không bao giờ bỏ qua, họ cố gắng khai thác để tạo ra những câu thơ hay để lại cho đời. Khi hoàng hôn tỏa xuống khói lam chiều bay lên với một màu huyền ảo lam lam tím một sự pha trộn giữa màu lam khói, màu tím hoàng hôn tuyệt đẹp rất thơ rất lãng mạn, gợi nét chung thủy, mộng mơ. Chỉ mơ ước được chiêm ngưỡng một cái màu lam lam tím của một buổi chiều hoàng hôn đối với nhà thơ là cả một niềm mơ ước từ lâu, và giờ đây đang hiển hiện trước mắt tác giả. Trước cảnh đẹp tuyệt mỹ như vậy thì trong lòng nhà thơ không thể không xao xuyến, cũng có thể thông qua cửa sổ ngoài kia có những cô thiếu nữ đang dạo cảnh ngắm hoa, gợi cảm cho tác giả hồi tưởng lại những kỷ niệm đã qua, hay là những thiếu nữ đó đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo hơn trong lòng tác giả? Hay đúng lúc đó có một người con gái đang đi đến bên cạnh tác giả, với những bước chân nhẹ nhàng, êm ái…cái ngày mà tác giả mong đợi được người con gái ấy để thỏa nỗi chờ mong đã đến.
Tôi tiếp tục khám phá những câu thơ tiếp theo
“Thu về vụ lá vàng rơi
Hòa vui kỷ niệm rạng ngời đó đây”
Tôi có thể nói rằng nhà thơ viết bài trăng lầu vào một ngày đầu thu, khi hương hạ đang còn, khi tình thu chớm nở, sự giao thoa giữa hai màu huyền diệu quá, đẹp quá và thơ mộng quá, những sợi nắng còn vương vấn, những ngọn gió thu đang mơm nam thổi, một khung cảnh không thể tuyệt với hơn đối với những người sáng tác. Những kỷ niệm chắc chắn sẽ ùa về tràn ngập, cái cảm giác hạnh phúc dâng trào, niềm vui khôn xiết.
”Vườn xưa lối cũ đong đầy
Mắt nai đắm đuối đan tay nối vòng”
Đến đây thì ta có thể hình dung ra rằng tác giả đang ngồi suy tư, niềm vui, niềm hạnh phúc và nỗi nhớ cứ đan xen, lẫn lộn là cho tác giả bâng lâng khó tả. rồi những gì tác giả nghĩ đến thì nó cũng đã đến. Vườn xưa, rồi lối cũ vẫn còn đong đầy kỷ niệm chan chứa, hình ảnh người xưa cũng đã xuất hiện trước mắt tác giả rồi, ánh mắt gặp ánh mắt, bàn tay xiết bàn tay rồi, cánh tay đã được nối thành vòng tròn hạnh phúc, quả không còn gì đẹp hơn thế nữa. hạo đã trở lại bên nhau thật sự, và cũng có thể chỉ là trong trí tưởng tượng của tác giả, nhưng dẫu sao nó cũng cho ta thấy một bức tranh rất đẹp và lãng mạn. đầy đắm đuối yêu thương. Làm tôi nhớ đến câu hát “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”
Tiếp theo câu 9, câu 10
“Suối tình cuồn cuộn dòng trong
Xua tan khao khát cháy lòng bấy lâu”
Đọc đến đây thì có lẽ tác giả môn chứng tỏ cho chúng ta biết không phải là miền ảo nữa, nó đã là niềm vui niềm hạnh phúc thật sự đã đến với nhà thơ. Một tình yêu trào dâng đầy mãnh liệt, cháy bỏng, khát khao nhưng rất thiêng liêng và trong sạch. Cái mong mỏi đợi chờ, cái khát khao cháy bỏng đã được đền đáp thực sự.

Bùi Phương tâm đắc nhất là hai câu kết:
”Tiếng chày vọng ngọt canh thâu
Còn ta tan ánh trăng lầu nguy nga”
Nói đến tiếng chày, thì không còn băn khoăn gì nữa, chính bài thơ ra đời tại một vùng quê rừng núi có lẽ đó là miền quê của tác giả. Một sự chuyển đổi cảm giác của tiếng chày thật là tuyệt vời. Tiếng chày giã gạo giữa canh khuya, gây nên sự ồn ào, phá tan màn đêm tĩnh mịch, tiếng chày vọng làm cho những ai mới lần đầu đến đó rất khó chịu, khó ngủ, nhiều người diễn tả tiếng chày nghe ghê rợn, nghe ấm ức, nghe phiền não, Nhưng đối với tác giả tiếng chạy nó lại “ Vọng ngọt”, quả là tác giả có một tình yêu quê hương thắm thiết, tất cả chỉ có đẹp và tuyệt vời mà thôi, một tình yêu không diễn tả hết bằng lời, đến nỗi tiếng chày thùng thịch suốt đêm vọng đến bên tai tác giả giờ đây cũng trở nên ngọt lịm. bởi lẽ đêm nay tác giả đang sống trong niềm hạnh phúc vô bờ bến, mọi thứ xung quanh cũng trở nên đẹp đẽ hơn. Những khát khao chờ đợi đã được thỏa mãn, tất cả đã tràn ngập trong lầu thơ nguy nga lộng lẫy. Bài thơ là một bức tranh tình đầy lãng mạn.
Phải nói đây là một thành công của nhà thơ Bùi Văn Thanh

Hải Dương
18/8/2015
Bùi Phương

Mời các bạn thưởng thức toàn bộ bài thơ :

TRĂNG LẦU
Gió treo hương dịu sen nhài
Trăng lay phảng phất đan cài tiếng thơ
Chiều lam lam tím vườn mơ
Gót son xao xuyến... thỏa chờ người ơi
Thu về vụ lá vàng rơi
Hòa vui kỷ niệm rạng ngời đó đây
Vườn xưa lối cũ đong đầy
Mắt nai đắm đuối đan tay nối vòng
Suối tình cuồn cuộn dòng trong
Xua tan khao khát cháy lòng bấy lâu
Tiếng chày vọng ngọt canh thâu
Còn ta tan ánh trăng lầu nguy nga
8/8/2015
Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Sáng nay lại nhận được thư bạn đọc từ Yên Bái

Sáng nay lại nhận được thư bạn đọc từ Yên Bái

Kính gửi tác giả Bùi văn Thanh.
Thân thưa thi huynh, tác giả của bài thơ MẸ RU
Nhân đọc bài thơ của huynh, đệ có một vài câu cảm nhận như sau, có gì mong huynh hồi đáp.

Chiến tranh kết thúc đã 40 năm rồi. Có lẽ nỗi thương nhớ con của người Mẹ đến tột đỉnh, khi đứa con ra đi mãi mãi không về. Tác giả đã lột tả nỗi niềm sâu thẳm đó trong 2 câu thơ mở đầu của bài thơ ý và tứ hòa quyện vào nhau. Khi đọc xong 2 câu thơ đầu tôi dừng lại và suy ngẫm, có một chút gì đó là lạ, có một cái gì đó sâu xa bởi hình ảnh giọt sương sưng vù.
Mẹ ngồi ôm gối. Mẹ ru/ Ầu ơ kẽo kẹt… sưng vù giọt sương. Quả là khó lòng chê được, và không thể không đọc hết bài thơ.
Đọc xong bài thơ, thật không thể nghi ngờ gì nữa. Dưới ngòi bút thơ Tác giả Bùi Văn Thanh, có thể nói đang bước vào độ chín, bởi gần đây tôi đọc thơ của anh tôi có cảm dạo này anh viết chắc chắn hơn, có nhiều câu mà tôi rất thích, tuy không gọt dũa, trau chuốt tu từ, nhiều câu còn dí dỏm song quả là có chiều sâu, có sức cuốn hút người đọc.
Trở lại với 2 câu thơ trên, quả thật đọc đến mấy lần tôi mới có thể đưa ra được lời nhận xét như sau: Hình ảnh người mẹ ngồi ôm gối với một dấu chấm câu trong câu thơ lục bát đã làm cho tôi có cảm giác là lạ ngay từ câu thơ đầu tiên đó, rồi đến Mẹ ru. Chỉ một câu thôi thì tứ thơ đã bắt đầu xuất hiện, quả là hiếm gặp trong thơ. Ầu ơ kẽo kẹt… một tiếng ru không ngớt, từ sáng đến chiều, rồi qua đêm, ngày này qua tháng năm khác… lời ru mỏi mòn trong chờ đợi, trong khát khao, trong hy vọng…lúc trầm lúc bổng giống như tiếng của chiếc võng tre, như 2 thanh tre cọ xát vào nhau nghe thật não nề, chua xót đến thấu ruột gan. Cụm từ kẽo kẹt đặt vào đây quả thật là như vậy. Sưng vù giọt sương, quả là một ý thơ trìu tượng và khó hiểu, tôi cố gắng suy nghĩ, tìm tòi ý thơ của tác giả, quả thật một hình ảnh quá hay, quá ý nghĩa, quá sâu xa. Một sự ẩn chứa đến muôn điều mà chúng ta cần khám phá trong cụm từ trên. Theo ý của tôi thì tác giả đã nhân cách hóa một cách thật là sâu thẳm. Có lẽ người mẹ đã khóc cạn hết cả nước mắt, chỉ còn một giọt nữa thôi nữa thôi, mà giọt nước mắt đó đã sưng vù lên, bởi nó cũng sắp rời bỏ mẹ rồi đây, có lẽ vậy vẫn chưa đủ, chưa đúng… có lẽ mẹ đã quá già không còn đủ sức chờ đợi con trở về được nữa, cũng như ngoài kia giọt sương sắp rơi, khi giọt sương rơi có nghĩa đời mẹ cũng sắp sửa về thế giới bên kia chăng, nhưng cũng chưa chắc là vậy… thế thì có ý gì đây? Hay là giọt sương đó là linh hồn của người con đã trở về bên mẹ, đang hiển hiện trước mắt mẹ, giọt sương to đẹp long lanh, làm cho niềm hy vọng của mẹ được nhen nhóm, để rồi mẹ được đưa bàn tay chai gần ra đón, để rồi giọt sương được tan trên bài tay mẹ, tiếp nhựa sống cho mẹ có thêm nghị lực để tiếp tục ru con.Thật là khó hiểu ý của tác giả, có lẽ suy nghĩ của tôi có phần nào đúng. Với hình ảnh giọt sương sưng vù, nó để lại ấn tượng mạnh trong tôi. Mà cũng có thể mẹ đang hình dung đứa con đang ngủ dưới những giọt sương, giọt sương không nỡ rơi xuống làm con thức giấc, giọt sương cố gắng đua bấm trên cành cây ngọn cỏ đợi chờ ánh bình mình để tự mình bay hơi đi, giữ gìn giấc ngủ cho con. Và chỉ có tác giả mới có thể nói rõ cho chúng ta hiểu được. 
Đọc hết khổ thơ đầu ta càng thế rõ về hình ảnh người mẹ, dẫu mưa to, gió lớn, bão tố mịt mùng người mẹ vẫn không hề nản chí, vẫn cứ ôm gối mẹ ru, ru từ năm này qua năm khác, thể hiện một sự khát khao đứa con trở về trong vòng tay của mẹ. Với sự bồn chồn lo lắng không dứt , khóc thầm trong tuyệt vọng. Khi đọc xong khổ thơ này tôi nghĩ  rằng mọi suy nghĩ của mình là đúng.
Khổ thơ tiếp theo là một ý thơ bổ sung cho tứ thơ, càng đọc chúng ta càng thấu hiểu được nỗi niềm bầm gan tím ruột của mẹ, có lẽ nhiều đêm mẹ không ngủ, mẹ đã cứ ấu ở, cho dùng 5 canh cũng đã sắp tàn, sự thương nhớ chờ đợi đến mỏi mòn, cuộc đời mẹ giờ đây như chiếc lá úa, úa đến mỏng tanh, có lẽ chỉ cần mổ động chạm siêu nhẹ cũng có lẽ làm cho chiếc là tan biến  vào hư vô mà không bao giờ thấy nữa. Rồi đến sợi mơ thì sao? Sợi mơ của mẹ cũng đã giòn chỉ cần khẽ chạm cũng làm cho nó tan tành theo mây khói. Tác giả đã rất khéo léo trong việc lựa chọn câu chữ  rất giản dị nhưng không kém sự sâu xa tận cùng của nỗi niềm.
Tiếp đến khổ thư thứ ba thì ta khỏi cần nghi ngại gì nữa, bài thơ diễn tả  chân dung của một người mẹ đang thương nhớ về một đứa con, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ra đi  diệt thù để thống nhất đất nước, để rồi có ngày ra đi mà  không có ngày trở lại, ở quê nhà người mẹ đã khắc khoải đợi chờ. Tất nhiên là mẹ biết, mẹ hiểu sự hy sinh cao cả của con  vì nền độc lập dân tộc, mẹ cũng lấy làm tự hào khi đóng góp một phần xương máu của gia đình mình cho đất nước. Tuy biết vậy nhưng mẹ không thể kìm lòng mà vẫn chỉ ru hờ… thế thôi
“Con xa từ bấy đến giờ
Ngày đêm mẹ vẫn ru hờ… thế thôi”
Quả là mẹ biết, quả là mẹ hiểu, và mẹ cũng đã được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, của xã hội đối với nhưng  gia đình có công với cách mạng, nhưng sự thương nhớ con khôn nguôi mà mẹ vẫn làm một việc… không tưởng. mẹ  thực sự đã quá già nua, tiếng ru đã méo dần đi, tiếng ru không những méo mà còn đã lạc cả giọng của mẹ đi rồi, không biết con có nhận ra mẹ nữa không? Rồi một câu trách móc bâng quơ: Con tôi chưa về. một sự hy vọng, đợi chờ mãi mãi không được đền đáp. Nhưng tác giả đặt từ chưa có nghĩa là mẹ vẫn chưa hết hy vọng, sự hy vọng mong manh đến nỗi không còn từ nào để diễn tả nữa.
 Phần kết của bài thơ vớ 3 câu thơ nhẹ nhàng thanh thoát, có hậu. Mẹ ngồi eu giữa Sơn Khê. Có lẽ người mẹ này ở một vùng miền núi nào đó, mà là có thật. hay tác giả nhân cách hóa, Sơn Khê là một vùng rừng núi và khe suối, nhưng chính nó đại diện cho xóm làng yêu dấu. mẹ lặng thầm trong cái hương vị quê hương ngọt ngào đầy nhung nhớ của những người xung quanh, mà nhìn thấy mẹ như vậy ai cũng lấy làm thương cảm chua xót đến nghẹn lời.
Nhưng theo tôi ở đây nếu tác giả dùng từ ngọt ngào có lẽ làm cho ngữ cảnh trong thơ trở nên hay hơn?!
Bài thơ kết thúc ở câu lục, một kiểu kết thúc lửng, một bài thơ có thể coi là đang viết dở. Sự kết thúc là một câu hỏi làm cho mỗi người đọc có những suy nghĩ khác nhau, suy luận khác nhau, và như vậy có thể mỗi độc giả lại có một cách nhìn nhận về bài thơ khác nhau.
Riêng bản thân tôi thì thú thật tôi rất thích bài thơ này, nhưng nếu tác giả trau chuốt thêm chắc là bài thơ sẽ có độ chín hơn nhiều. dẫu sao cũng cảm ơn tác giả Bùi văn Thanh đã cho tôi được thưởng thức và có cơ hội bày tỏ suy nghĩ của mình.
Cuối cùng chúc tác giả thành công.
Yên Bái 05/8/2015
Trần Chung

MẸ RU

Mẹ ngồi ôm gối. Mẹ ru
Ầu ơ kẽo kẹt… sưng vù giọt sương
Nắng mưa bão tố coi thường
Bao năm khắc khoải vấn vương tơ lòng

Hời ru đắm đuối miền mong
Ầu ơ… canh muộn soi dòng nhớ con
Trải bao thương nhớ mỏi mòn
Mỏng tanh lá úa, khô giòn sợi mơ

Con xa từ bấy đến giờ
Ngày đêm mẹ vẫn ru hờ… thế thôi
Lời ru nay đã méo rồi
Lạc trong vô vọng… con tôi chưa về

Mẹ ngồi ru giữa Sơn Khê
Lặng trong hương nhớ… tình quê nghẹn ngào
Mẹ còn ru đến ngày nao?!

30/7/2015
Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

CẢM NHẬN BÀI THƠ “ MON MEN” CỦA TÁC GIẢ BÙI VĂN THANH

( Nhận được bài cảm nhận của Trường Thi- Nghệ An. Bùi Văn Thanh đăng lên cho mọi người đọc)
CẢM NHẬN BÀI THƠ  “ MON MEN” CỦA TÁC GIẢ BÙI VĂN THANH
Đọc bài MON MEN của tác giả Bùi Văn Thanh. Vừa đọc vừa suy ngẫm và tôi như bị cuốn hút bởi những câu từ rất bình dị. Hầu như tác giả không hề gọt dũa thì phải. Những câu từ lặp đi lặp lại trong từng khổ thơ, hình như đó là một chủ ý của tác giả. Đọc xong tôi cảm thấy đây là một bài thơ rất hay.
Tôi bắt đầu khám phá cái bí ẩn đằng sau những câu thơ bình dị đó. Nếu ai đó đọc qua thì tôi nghĩ không bao giờ có thể hiểu sâu sắc được. Càng đọc tôi càng nhận ra một khát vọng lớn, mà phải nói là rất lớn trong bài thơ này. Khát vọng một cuộc sống viên mãn, khát vọng một qui luật tự nhiên, một quy luật cuộc đời bất biến, một khát vọng không nên thay đổi một trật tự, một qui luật tự nhiên cũng như quy luật của cuộc sống, một khát vọng sống thọ, các thế hệ trong một gia đình tiến tới  “ Tứ đại đồng đường”  rồi  “Ngũ đại đồng đường”, sự quan tâm đến những người cao tuổi, rồi sự khát khao duy trì nòi giống dòng tộc.v.v Quả đúng là như vậy. Và tôi bắt đầu đi khám phá từng câu từng chữ trong bài thơ xem sao, cái suy nghĩ, cảm nhận của mình có đúng vậy hay không?
Bài thơ bắt đầu với một câu  “Ta mon men bậu cửa”, ở cái tuổi tập đi ai cũng có một đôi lần trong đời bám vào giường, tủ, vào cửa để tập đi gọi là đi men, nghĩa là tác giả cũng vậy, cũng như mọi người,và đó cũng là qui luật, sinh ra rồi dần dần lớn lên. Mới tập đi thôi nhưng đứa trẻ đã biết quan sát mọi sự vật xung quanh mình, quả là một đứa trẻ thông minh từ trong trứng nước, ngoài việc mon men tập đi, còn quan sát rất kỹ những gì đang xảy ra xung quanh mình “Nhìn ông khấn rì rầm” Ông mình đang làm một việc tri âm trước ban thờ tiên tổ, rồi đứa bé còn để ý đến lúc hương tàn và Cha là người bưng mâm cỗ xuống, sau khi cỗ đã bưng xuống là lúc mọi thủ tục cúng đơm đã hoàn tất, bắt đầu cả nhà dùng bữa, một quan sát khá tỷ mỷ  “Hương tàn Cha bưng cỗ/ Tiếng quây quần râm ran” một ngôi nhà quá là hạnh phúc, bởi tại thời điểm này thì đã có đến 3 thế hệ cùng sinh sống. Ông, Cha và ta (tức là tác giả). Đúng là một gia đình đang sống trong hạnh phúc biết bao.
Đọc sang khổ thơ thứ hai tôi lại càng bị cuốn hút theo một lối viết đơn giản. Thời gian trôi đi nhanh hơn ta tưởng, mới đó ta đã lớn lên ta đã đứng bên cạnh cha như trước đây cha đứng bên cạnh ông làm cái việc là thắp hương đưa cho cha cúng tiên tổ, ông đã già rồi nên lúc này ông được nghỉ ngơi thư giãn để sống vui, sống khỏe, mọi việc đã có cháu con làm, không những công việt lớn ngoài xã hội mà kể cả những việc cúng đơm trong gia đình. Đến đây câu “ Hương tàn vào bưng cỗ” chỉ thay có một chữ vào, Có nghĩa là ta đã vững vàng trước mọi công việc, nghĩ lại mới hôm nào đó ta đang mon men bậu cửa mà nay đã bưng được mâm cỗ đầy rồi, tất nhiên trong lòng cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng. Mới chỉ 2 khổ thơ đầu thôi thì đó là cả một thời gian không hề ngắn ngủi quả là thời gian trôi quá nhanh, nhưng cái trật tự đó, qui luật đó không hề thay đổi, một quy luật của cuộc sống mà con người được tạo hóa sinh ra và được hưởng thụ, một quy luật không nên thay đổi xáo trộn, đọc đến đây tôi càng thấy câu thơ bình dị mà sâu sắc đến vậy.
Tôi càng bị cuốn hút hơn bởi khi khám phá khổ thơ thứ ba, tác giả không thay đổi lối viết, vẫn cứ những từ ngữ đơn giản, mộc mạc đưa tôi vào cõi mê hoặc như lạc vào một mê cung. Đến đây thì ta trở thành một người trụ cột rồi, không những có con mà đã có cả cháu, cái khát vọng tuổi thọ cao đã bộc lộ rõ ở đây, một gia đình đã đạt đến “ Tứ đại đồng đường” rồi. Điều đó không ai có thể nghi ngờ được nữa. Đúng là một khoảng thời gian không ngắn, từ khổ thơ thứ nhất sang khổ thơ thứ ba là cả một quá trình diễn biến cuộc đời trong xã hội nói chung và tác giả gói gọn vào trong một gia đình nói riêng. Các từ lặp lại có chủ ý đó như một điều khẳng định là một trật tự , một quy luật của cuộc sống là không thay đổi, mà không nên thay đổi, nếu có một sự đổi thay nào dù nhỏ nó sẽ làm cho cuộc sống sẽ bị đảo lộn.
Tiếp đến khổ thơ thứ tư, lúc này ta cũng đã gia và cũng được nghỉ ngơi như cha ta và ông ta, mọi công việc đã được cháu con cháu thay thế, Trong một gia đình mà đang có 3 thế hệ già cả chung sống và đang được sự quan tâm chăm sóc, cho nghỉ ngơi dưỡng lão, không phải làm bất cứ một việc gì nữa thì thật là hạnh phúc biết bao “ Hương tàn cháu bưng cỗ” Cháu quả là đã lớn, một thế hệ mới đang hướng tới  “Ngũ đại đồng đường” rồi đó. Chỉ thay có một từ thôi sao mà nó có ý nghĩa sâu sắc đến vậy. Càng đọc tôi càng thấy chiều sâu của sự cố ý lặp đi lặp lại và giữ được cách viết chân chất, không hề tu từ, gọt dũa, nhưng mà tôi cảm thấy sự mạnh mẽ, sâu sắc, triết lý trong những từ bình dị đó. Thật sự tôi rất cảm phục.
Rõ ràng rồi trong một gia đình đã có đến 5 thế hệ đang sinh sống, thì ông mãn nguyện quá đi chứ  “Mắt ông cười hân hoan” một cuộc sống hạnh phúc vô bờ bến phải không các bạn.
Đến đây có lẽ ý thơ và tứ thơ đã đủ để cho mọi người có thể tìm hiểu một cách đầy đủ về một “ Khát vọng” trong bài thơ.
Tác giả kết thúc bằng một khổ thư thứ 5, có phải 5 khổ thơ cũng là chủ ý của tác giả đại diện cho 5 thế hệ cùng chung sống, một khát vọng “ Ngũ đại đồng đường” đã được xác lập.
Tác giả khẳng định rằng “ Thời gian không trở lại” điều này là hiển nhiên mà ai cũng biết, nhưng tác giả vẫn viết, viết để khẳng định điều bất biến đó một lần nữa, viết để nhắc nhở chúng ta cần phải nhớ điều đó, cho nên đừng bao giờ lãng phí thời gian, đừng để cho thời gian trôi đi một cách vô vị. Một sự trôi đi trong lặng lẽ của quy luật thời gian cứ thế trôi mãi, trôi hoài mà nó không chờ đợi một ai, cuộc đời rất ngắn ngủi so với thời gian vô tận, nếu ta để lãng phí thời gian thì ta đã làm tổn hại đến cuộc sống của chính mình.
Ấn tượng mạnh nhất của tôi là 2 câu kết. Càng ngẫm tôi càng say, càng ngẫm tôi càng mơ ước gia đình mình cũng được như vậy. một gia đình có 5 thế hệ chung sống, tôi đang hình dung ra một ngôi nhà cổ kính đang hiện diện trước mắt tôi, biết bao thế hệ đã cùng sinh ra và lớn lên tại đó, trong ngôi nhà đó, rồi những bước chân mon men tập đi, những bàn tay bám vào bậu cửa thân quen, để lại trên bậu cửa đó những dấu vết không bao giờ phai nhạt, dấu vết đó tác giả đã tô điểm lên thành “Vết son” một dấu vết của tuổi thơ rất đẹp mà bao thế hệ cùng chung tay tạo nên nó trên bậu cửa nhà mình.
“Vết son choàng bậu cửa” hình như đang có một đứa trẻ đang mon men ở đây, khát vọng đã được toại nguyện khi thực sự là một gia đình đạt được” Ngũ đại đồng đường” rồi. Thật là tuyệt vời, mà không thể có cái gì tuyệt vời hơn thế nữa.
Đọc câu kết “Ngỡ mình vừa mon men” tôi đặc biệt chú ý từ “mình” một sự tinh tế của tác giả, quả là không thể không suy nghĩ. Ngoài cái hồi tưởng của tác giả khi thấy một đứa trẻ đang mon men bậu cửa, bao ký ức tuổi thơ tràn về, bao kỷ niệm, bao sóng gió cuộc đời đã trôi qua… tác giả đặt từ “mình” vào rất đúng vị trí, không thể có từ nào thay thế mà có giá trị nhân văn đến vậy. Một đứa trẻ giống mình như hai giọt nước, tác giả quả là tài tình, một gia đình đã giữ gìn được dòng giống gia tộc, đó là mình chứ không ai khác, không bị lai tạp một chút nào,ngoài cái ý nghĩa đó tác giả còn ca ngợi sự chung thủy của 5 thế hệ những người về làm dâu trong gia đình này đã giữ gìn được nền nếp gia phong, sinh con đẻ cháu nối dõi tông đường cho dòng tộc. Ở đây giả sử đứa trẻ đó nó không giống mình, mà lại giống một đứa trẻ “ Tây đen” thì cho dù đến lục đại, hay bát đại đồng đường cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Càng nghĩ tôi càng cảm phục cái tinh tế của tác giả.
Vậy bài thơ nói lên sự khát vọng vô cùng to lớn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, tôi không thể nói hết lên đây được mà còn để cho các độc giả khác khám phá sâu rộng hơn. Riêng tôi nhìn thấy một sự tổng quát về khát vọng: Sống trường thọ, hạnh phúc, sự duy trì nòi giống, một trật tự, những quy luật bất biến, một quy luật thời gian, một sự ca ngợi người phụ nữ… được tác giả đưa vào trong bài thơ MOM NEN một cách nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc.
Cảm ơn tác giả Bùi Văn Thanh đã cho tôi được thưởng thức bài thơ hay có giá trị nhân văn cao. Tuy nhiên có thể tôi thể khám phá hết được ý của anh. Song cũng mạnh dạn gởi anh đôi dòng tâm sự về cảm nhận riêng của tôi. Hy vọng sẽ được đọc nhiều bài thơ của anh hay hơn nữa. Cuối cùng chúc anh và gia đình mạnh khỏe - hạnh phúc.
MON MEN
Ta mon men bậu cửa
Nhìn ông khấn rì rầm
Hương tàn Cha bưng cỗ
Tiếng quây quần râm ran…
Ta đốt nén nhang lên
Đứng bên nghe Cha khấn
Hương tàn vào bưng cỗ
Tiếng lòng nghe bâng lâng…
Giờ ta thắp nén nhang
Đứng chấp tay khấn vái
Hương tàn Con bưng cỗ
Bậu cửa Cháu mon men
Nhìn Con thắp nén nhang
Trước ban thờ Tiên tổ
Hương tàn Cháu bưng cỗ
Mắt Ông cười hân hoan
Thời gian không trở lại
Lặng lẽ trôi trôi hoài
Vết son choàng bậu cửa
Thoáng mình vừa mon men!
18/4/2015
Nghệ An
2/8/2015
Trường Thi
 
Bản quyền bởi Nhà thơ Bùi Văn Thanh
Địa chỉ: Số 22, ngõ 12, Đường Mê Linh, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc | Điện thoại: 0982.345.096 | Bảo trợ bởi: Thi đàn Việt Nam.