Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Cảm nhận TRĂNG LẦU của Bùi Thị Phương

Bài thơ:TRĂNG LẦU của Nhà thơ Bùi Văn Thanh, anh viết theo thể thơ Lục bát rất đúng niêm, luật. Đây là một bài thơ tình Phương Bùi cảm nhận rất hay nên đã múa rìu ...bình bài thơ cùng bạn đọc hiểu được cái hay, nét đẹp trong bài thơ này.
Trước hết ta bình hai câu đầu:
”Gió treo hương dịu sen nhài
Trăng lay phảng phất đan cài tiếng thơ”
Tôi cũng phải suy ngẫm mãi về hai từ “Gió treo” nói đến gió nếu không gió thì không phải là gió nữa, người ta thường nói gió thổi, gió bay, gió lay, gió hút, gió vù, gió mùa, gió phơn, gió chướng… Nhưng ở đây anh lại có gió treo quả là hay, vừa lạ lẫm cho nên nó đã làm tôi rất có ấn tượng với bài thơ ngay từ đầu.
Thế thì gió treo là ngọn gió nào? Có lẽ ai cũng muốn biết và muốn khám phá cái ngọn “Gió treo” của nhà thơ. Phải chăng gió mà không phải là gió, ngọn gió ảo hay ngọn gió thực? Theo suy nghĩ của tôi có lẽ lúc này xung quanh nhà thơ đầy rẫy một mùi hương dìu dịu của những đầm sen, mùi hương nhài man mác của những khóm hoa nhài đâu đây, những gì mà nhà thơ đang có đó đều do ngọn gió nào đưa đến, nhưng tại sao nó không tiếp tục mà lại dừng lại nơi đây, dừng lại xung quanh nhà thơ, phải chăng quyến rũ nhà thơ hay là dừng lại để đọc thơ. Bác Hồ, viết “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” còn đối với nhà thơ Bùi văn Thanh thì hương dịu đòi thơ? Hay là ngọn gió đòi thơ chăng? Dừng lại chờ đợi nhà thơ hoàn thành tác phẩm của mình, hay mải mê ve vãn mà quên đi là gió cần phải gió. Cũng có thể gió đến trước mặt Nhà thơ gió đứng lại không bay đi nữa bởi gió mang theo: Hương dịu sen nhài để mê hoặc nhà thơ, tăng cảm hứng cho nhà thơ, chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu thấu đáo được. Vậy là nơi tác giả ngồi sáng tác ta dễ dàng hình dung ra một bức tranh thơ mộng, ở đó không bị gò bó bởi gian phòng chật chội mà nó đã mở toang ra một không gian rộng lớn giữa lầu thơ và bên ngoài không gian thông qua những ô cửa sổ, có địa điểm cụ thể bên ngoài kia là những đầm sen ngào ngạt hương thơm, những vườn hoa đầy sắc thắm, những cành cây xanh mướt uyển chuyển trong làn gió thơm dịu hương sen nhài, trong lầu nhà thơ đang ngâm nga những câu thơ vừa sáng tác, tiếng ngân nga đó hòa quyện với hương thơ dìu dịu của hoa sen, hoa nhài mà được ngọn gió ban tặng, những hình ảnh đó tạo nên một khung cảnh huyền ảo thật nên thơ, chính lúc này trăng trong thơ tác giả là nét đẹp của một không gian lãng mạn, ở đây xin nói thêm có lẽ anh chọn hương sen và hương nhài là có ý riêng của nó, một là quốc hoa đó là hoa sen , hai là một loài hoa trắng tinh khiết quyến rũ là hoa nhài hai cái đẹp khác nhau nhưng đều biểu thị được cái đặc trưng của nó.

Tiếp câu 3 và câu 4:
“Chiều lam lam tím vườn mơ
Gót son xao xuyến... thỏa chờ người ơi”
Đọc lên chúng ta thấy ngay một không gian về một buổi chiều thơ mộng, khi hoàng hôn buông xuống khói lam chiều trên quê hương là những nét đặc trưng của vùng quê Việt Nam. Dưới con mắt người thi sỹ những cái đẹp đó họ không bao giờ bỏ qua, họ cố gắng khai thác để tạo ra những câu thơ hay để lại cho đời. Khi hoàng hôn tỏa xuống khói lam chiều bay lên với một màu huyền ảo lam lam tím một sự pha trộn giữa màu lam khói, màu tím hoàng hôn tuyệt đẹp rất thơ rất lãng mạn, gợi nét chung thủy, mộng mơ. Chỉ mơ ước được chiêm ngưỡng một cái màu lam lam tím của một buổi chiều hoàng hôn đối với nhà thơ là cả một niềm mơ ước từ lâu, và giờ đây đang hiển hiện trước mắt tác giả. Trước cảnh đẹp tuyệt mỹ như vậy thì trong lòng nhà thơ không thể không xao xuyến, cũng có thể thông qua cửa sổ ngoài kia có những cô thiếu nữ đang dạo cảnh ngắm hoa, gợi cảm cho tác giả hồi tưởng lại những kỷ niệm đã qua, hay là những thiếu nữ đó đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo hơn trong lòng tác giả? Hay đúng lúc đó có một người con gái đang đi đến bên cạnh tác giả, với những bước chân nhẹ nhàng, êm ái…cái ngày mà tác giả mong đợi được người con gái ấy để thỏa nỗi chờ mong đã đến.
Tôi tiếp tục khám phá những câu thơ tiếp theo
“Thu về vụ lá vàng rơi
Hòa vui kỷ niệm rạng ngời đó đây”
Tôi có thể nói rằng nhà thơ viết bài trăng lầu vào một ngày đầu thu, khi hương hạ đang còn, khi tình thu chớm nở, sự giao thoa giữa hai màu huyền diệu quá, đẹp quá và thơ mộng quá, những sợi nắng còn vương vấn, những ngọn gió thu đang mơm nam thổi, một khung cảnh không thể tuyệt với hơn đối với những người sáng tác. Những kỷ niệm chắc chắn sẽ ùa về tràn ngập, cái cảm giác hạnh phúc dâng trào, niềm vui khôn xiết.
”Vườn xưa lối cũ đong đầy
Mắt nai đắm đuối đan tay nối vòng”
Đến đây thì ta có thể hình dung ra rằng tác giả đang ngồi suy tư, niềm vui, niềm hạnh phúc và nỗi nhớ cứ đan xen, lẫn lộn là cho tác giả bâng lâng khó tả. rồi những gì tác giả nghĩ đến thì nó cũng đã đến. Vườn xưa, rồi lối cũ vẫn còn đong đầy kỷ niệm chan chứa, hình ảnh người xưa cũng đã xuất hiện trước mắt tác giả rồi, ánh mắt gặp ánh mắt, bàn tay xiết bàn tay rồi, cánh tay đã được nối thành vòng tròn hạnh phúc, quả không còn gì đẹp hơn thế nữa. hạo đã trở lại bên nhau thật sự, và cũng có thể chỉ là trong trí tưởng tượng của tác giả, nhưng dẫu sao nó cũng cho ta thấy một bức tranh rất đẹp và lãng mạn. đầy đắm đuối yêu thương. Làm tôi nhớ đến câu hát “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”
Tiếp theo câu 9, câu 10
“Suối tình cuồn cuộn dòng trong
Xua tan khao khát cháy lòng bấy lâu”
Đọc đến đây thì có lẽ tác giả môn chứng tỏ cho chúng ta biết không phải là miền ảo nữa, nó đã là niềm vui niềm hạnh phúc thật sự đã đến với nhà thơ. Một tình yêu trào dâng đầy mãnh liệt, cháy bỏng, khát khao nhưng rất thiêng liêng và trong sạch. Cái mong mỏi đợi chờ, cái khát khao cháy bỏng đã được đền đáp thực sự.

Bùi Phương tâm đắc nhất là hai câu kết:
”Tiếng chày vọng ngọt canh thâu
Còn ta tan ánh trăng lầu nguy nga”
Nói đến tiếng chày, thì không còn băn khoăn gì nữa, chính bài thơ ra đời tại một vùng quê rừng núi có lẽ đó là miền quê của tác giả. Một sự chuyển đổi cảm giác của tiếng chày thật là tuyệt vời. Tiếng chày giã gạo giữa canh khuya, gây nên sự ồn ào, phá tan màn đêm tĩnh mịch, tiếng chày vọng làm cho những ai mới lần đầu đến đó rất khó chịu, khó ngủ, nhiều người diễn tả tiếng chày nghe ghê rợn, nghe ấm ức, nghe phiền não, Nhưng đối với tác giả tiếng chạy nó lại “ Vọng ngọt”, quả là tác giả có một tình yêu quê hương thắm thiết, tất cả chỉ có đẹp và tuyệt vời mà thôi, một tình yêu không diễn tả hết bằng lời, đến nỗi tiếng chày thùng thịch suốt đêm vọng đến bên tai tác giả giờ đây cũng trở nên ngọt lịm. bởi lẽ đêm nay tác giả đang sống trong niềm hạnh phúc vô bờ bến, mọi thứ xung quanh cũng trở nên đẹp đẽ hơn. Những khát khao chờ đợi đã được thỏa mãn, tất cả đã tràn ngập trong lầu thơ nguy nga lộng lẫy. Bài thơ là một bức tranh tình đầy lãng mạn.
Phải nói đây là một thành công của nhà thơ Bùi Văn Thanh

Hải Dương
18/8/2015
Bùi Phương

Mời các bạn thưởng thức toàn bộ bài thơ :

TRĂNG LẦU
Gió treo hương dịu sen nhài
Trăng lay phảng phất đan cài tiếng thơ
Chiều lam lam tím vườn mơ
Gót son xao xuyến... thỏa chờ người ơi
Thu về vụ lá vàng rơi
Hòa vui kỷ niệm rạng ngời đó đây
Vườn xưa lối cũ đong đầy
Mắt nai đắm đuối đan tay nối vòng
Suối tình cuồn cuộn dòng trong
Xua tan khao khát cháy lòng bấy lâu
Tiếng chày vọng ngọt canh thâu
Còn ta tan ánh trăng lầu nguy nga
8/8/2015

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền bởi Nhà thơ Bùi Văn Thanh
Địa chỉ: Số 22, ngõ 12, Đường Mê Linh, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc | Điện thoại: 0982.345.096 | Bảo trợ bởi: Thi đàn Việt Nam.