Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

NGỦ ĐI ANH

Bạn đọc cảm nhận bài thơ NGỦ ĐI ANH Của Bùi Văn Thanh
NGỦ ĐI ANH.
Giữa núi rừng và những cánh đồng
Cành lá thì thầm
Ri ri thủ thỉ
Ngủ đi anh, cứ ngủ đi anh
Mái đầu xanh
Ánh mắt long lanh
Nụ cười tươi rói
Giấc ngủ nồng say mãi mãi tuổi đôi mươi
Dáng hiên ngang
Anh đứng thẳng hàng
Rực anh hào quang
Soi sáng đường cho chúng em bước tiếp
Ngủ đi anh
Ngủ đi anh
Cứ ngủ đi anh
Bông hoa đời mãi rạng ngời trong đất
Bài thơ “NGỦ ĐI ANH” Của tác giả Bùi Văn Thanh. Là một bài thơ tự do ngắn song có sức cuốn hút tôi, làm cho tôi phải chú ý và khám phá nó.
“Giữa núi rừng và những cánh đồng
Cành lá thì thầm
Ri ri thủ thỉ”
Đọc 3 câu thơ trên chúng ta chưa thể hình dung ra tác giả muốn nói gì? Núi rừng thì bao la bát ngát, cánh đồng thì rộng lớn, mênh mông, cành lá thì đầy rẫy, ri ri thì nhiều vô kể, hình ảnh cành lá thì thầm, ri ri thủ thỉ gợi lên một hình ảnh ảm đạm, buồn thê thảm, một hiện tượng trong thế giới tự nhiên, mà có thể ai cũng nhìn thấy, cũng hiểu, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng có thể hạ bút viết thành thơ. Nếu dừng lại đây thì không ai có thể hiểu được. Bởi đó chỉ mới là ý thơ ban đầu. Phải nói đây một ý thơ rất rộng, bí hiểm. Nhưng đến câu tiếp theo, câu thứ tư trong khổ thơ trên thì tứ thơ bắt đầu xuất hiện, chúng ta mới lờ mờ hiểu được phần nào ý của tác giả muốn nói.
“Giữa núi rừng và những cánh đồng
Cành lá thì thầm
Ri ri thủ thỉ
Ngủ đi anh, cứ ngủ đi anh”
Đúng vậy, đến đây đa số chúng ta đã phần nào đó hiểu, nhưng cũng chưa thật sự hiểu một cách cặn kẽ hơn, sâu hơn. Các anh đã chiến đấu anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, sự hy sinh cao cả đó đã góp phần thống nhất đất nước. Hiện nay các anh chị vẫn còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất Việt Nam thân thương và yêu dấu này. Tuy nhiên một số đã được qui tụ vào nghĩa trang khắp mọi miền đất nước, nhưng một số vẫn chưa được tìm thấy, Các anh chị vẫn nằm đâu đó, hòa thân xác vào đất mẹ làm bạn với hoa lá, cỏ cây, công trùng trong đất đá. Ngày đêm cứ làm bạn với hoa lá, cỏ cây, côn trùng giun dế. Những tiếng thì thầm của lá, tiếng thủ thỉ của côn trùng như những lời ru cho giấc ngủ các anh, các chị được sâu hơn.
“Mái đầu xanh
Ánh mắt long lanh
Nụ cười tươi rói
Giấc ngủ nồng say mãi mãi tuổi đôi mươi”
Một ý mới được tác giả triển khai ra từ tứ thơ ban đầu, làm cho chúng ta hiểu một cách chính xác hơn về tứ thơ. Đến đây bạn đọc có thể khẳng định được tác giả muốn nói gì rồi, mà không phải là ai khác mà chính là người lính cụ Hồ.
Tác giả để lại hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, tươi trẻ, hồn nhiên rất đẹp mắt đã chiến đấu anh dũng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, hiện nay họ đang yên giấc ngủ ngàn thu, và mãi mãi là như vậy, điều đó không có gì thay đổi được.
“Dáng hiên ngang
Anh đứng thẳng hàng
Rực anh hào quang
Soi sáng đường cho chúng em bước tiếp”
Không thể nghi ngờ gì nữa, tác giả muốn ca ngợi sự hy cao cả của những người lính trẻ, trong cuộc chiến chống quân thù, thống nhất đất nước. Những anh hùng liệt sỹ không tiếc máu xương, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng sự hy sinh đó của các anh không bao giờ uổng phí, cho dù đã hy sinh nhưng các anh vẫn là những người lính hiên ngang, trong sự ngưỡng mộ của các thế hệ sau này, đúng là “ Rực ánh hào quang” Những tấm gương sáng chói sẽ là những ngọn đuốc soi sáng con đường cho thế hệ trẻ tiếp bước trên con đường xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.
“ Ngủ đi anh
Ngủ đi anh
Cứ ngủ đi anh
Bông hoa đời mãi rạng ngời trong đất”
Điệp khúc ngủ đi anh, ngủ đi anh, cứ ngủ đi anh như một lời ru ngọt ngào, để các anh yên giấc ngàn thu.
Các anh chính là những bông hoa đời tươi thắm nhất, rực rỡ nhất trong các loài hoa trên thế gian này, nằm chìm trong đất nhưng vẫn rạng ngời hơn bao giờ hết, các anh luôn mỉm cười, tự hào và kiêu hãnh , sự hy sinh cao cả cho nền độc lập tự do của Tổ Quốc luôn được trân trọng.
Một bài thơ ngắn nhưng phác họa khá đầy đủ về hình ảnh người lính đã hy sinh, để lại trong lòng người đọc một sự trân trọng hơn bao giờ hết đối với những anh hùng liệt sỹ, sự ca ngợi phẩm chất đạo đức người lính cụ Hồ.
Chúng ta những thế hệ hôm nay và kể cả những thế hệ mai sau không bao giờ được phép lãng quên những người lính đã cống hiến trọn tuổi xuân cho công cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.
Tháng 8/2015

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền bởi Nhà thơ Bùi Văn Thanh
Địa chỉ: Số 22, ngõ 12, Đường Mê Linh, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc | Điện thoại: 0982.345.096 | Bảo trợ bởi: Thi đàn Việt Nam.