Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Cảm nhận thơ

Bạn đọc cảm nhận về bài thơ NHẶT MẢNH PHÁO RƠI Của tác giả thơ Bùi Văn Thanh

NHẶT MẢNH PHÁO RƠI
Kính tặng những người lính năm xưa

Nhặt lên mảnh pháo vừa rơi
Anh khắc dòng chữ: Yêu đời hành quân
Với cành đào nở mùa xuân
Con tàu rẽ sóng ra quần đảo xa
Vẽ trâu, bò, lợn, dê, gà
Cam, chanh, mít ổi, dâu, na trĩu cành
Vườn chè  tươi tốt non xanh
Mặt ao gợn sóng cá quanh quanh bờ
Lại còn khắc một câu thơ
(Bao đêm ngẫm nghĩ biết chờ giấy đâu)
- Hành quân mưa nắng giãi dầu
Ba lô con cóc ngẩng đầu ta đi

Dưới trăng ngồi nghỉ mỗi khi
Chặt đôi con chữ thấy gì người ơi
Chỉ là một mảnh pháo rơi
Vào tay người lính thành nơi tâm tình

Bùi Văn Thanh

Tôi cứ đọc đi đọc lại bài thơ NHẶT MẢNH PHÁO RƠI Của tác giả thơ Bùi Văn Thanh. Bài thơ anh viết để tặng những người chiến sỹ năm xưa, nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7/2015. Càng đọc tôi càng say hơn bởi lẽ đây là một bài thơ đậm chất người lính chiến.
Ngay câu mở đầu tôi đã hình dung ra những người lính năm xưa vô cùng dũng cảm, không hề sợ gian khổ, mất mát, hy sinh… Ngay sau khi pháo nổ anh nhặt ngay mảnh pháo lên: “Nhặt lên mảnh pháo vừa rơi” thật là quả cảm. Sau khi đọc câu mở đầu tôi có chút băn khoăn, anh nhặt lên để làm gì? Và tôi bắt đầu khám phá nó để trả lời cho sự băn khăn đó.
“Nhặt lên mảnh pháo vừa rơi/ Anh khắc dòng chữ yêu đời hành quân” Quả là hay, tứ thơ xuất hiện ngay từ đầu bài thơ. Vậy thì anh nhặt lên không phải để chơi mà để làm một tác phẩm nghệ thuật, và để làm một vật kỷ niệm của cuộc đời lính chiến. Anh đã sử dụng mảnh pháo đó để phác họa một nỗi nhớ quê hương tha thiết, những hình ảnh thân thuộc ùa về trong lý ức, tất cả đều được anh lưu lại bằng những nét họa trên mảnh pháo của kẻ thù. Dưới ngòi bút của tác giả phần nào ta cũng khẳng định được anh là người lính từ Miền Bắc vào Nam đánh giặc bởi vì: “Vẽ cành đào nở mùa xuân” Hình ảnh cành đào với mùa xuân rất quen thuộc với những con người ở Miền Bắc, và chính các anh là một người con vùng ven biển nào đó: “Con thuyền rẽ sóng ra quần đảo xa” các anh cũng là những người con vùng nông thôn chính hiệu, bởi trong bức họa đó có các con vật, rồi vườn cây, ao cá v.v Tất cả điều đó cho ta  vừa biết được quê  hương  của các anh một cách tương đối đầy đủ, đồng thời cũng hiểu được nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương trong lòng mỗi người lính quả là vô cùng. “Vẽ trầu, bò, lợn, dê, gà / Cam, chanh, mít, ổi, dâu, na trĩu cành/ vườn chè tươi tốt non xanh/ Mặt ao gợn sóng cá quanh quanh bờ” Phải nói đây là một vùng quê rất đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Dừng lại  ở đây tôi có một chút suy nghĩ, liệu anh lính nhớ quê hương đến như vậy liệu anh có đảo ngũ hay không?
Và tôi tiếp tục tìm câu trả lời trong những ý thơ tiếp theo:  “ Lại còn khắc một câu thơ/ Bao đêm ngẫm nghĩ biết chờ giấy đâu”. Không phải nỗi nhớ quê hương tha thiết, lại làm anh buồn,  mà anh vẫn vui, vẫn yêu đời, tâm hồn anh lúc nào cũng thoải mái, và anh cảm tác thơ, những chiến trường quả là khốc liệt, không liệt đến vô cùng, thiếu thốn đủ thứ, anh nghĩ ra những câu thơ song nào có giấy bút để ghi lại, và anh cũng khắc lên trên mảnh pháo đó những câu thơ của người lính: “Hành quân mưa nắng dãi dầu? Ba lô con cóc ngẩng đầu ta đi” Hình ảnh chiến trường khó khăn gian khổ, nhưng với tinh thân yêu nước thương dân, các anh vẫn hành quân ra mặt trận, hiên ngang và dũng cảm. Đọc đến đây làm tôi nhớ lại câu trong bài hát mà thời nhỏ tôi được nghe: “Ngẩng đầu hiên ngang ta bắn thẳng vào bọn giặc Mỹ”. Đúng là một cuộc trường chinh đầy gian lao vất vả, những người lính với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm chiến đấu bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu. Xứng đáng là đứa những con yêu quý, xứng danh với người lính cụ Hồ.
“Dưới trăng ngồi nghỉ mỗi khi/ Chặt đôi con chữ thấy gì người ơi”
Với một câu thơ khá trìu tượng đặt gần cuối bài thơ làm tôi phải suy nghĩ, tìm hiểu xem tác giả muốn nói gì. Nhưng trước hết nó làm cho tôi nhớ lại câu: “Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ” trong bài hát Ca dao em và tôi. Câu thơ bị chặt đôi hay bẻ đôi thì ta còn đọc được, nhưng với tác giả Bùi Văn Thanh thì chặt đôi con chữ, khi con chữ chặt đôi thì không ai có thể đọc được nữa. Nhưng tại sao lại là chặt đôi con chữ, thế thì ở chặt con chữ nào? Hay con chữ nào bị chặt ở đây? Theo suy luận của tôi trong ngữ cảnh bài thơ này phải chăng là chữ S. Chúng ta cùng suy ngẫm xem có đúng là chữ S không nhé. Mà có lẽ là đúng bởi sau những ngày hành quân vất vả, mỗi lúc ngồi nghỉ để cắt đứt nỗi nhớ quê hương, gia đình, bè bạn, anh nghĩ tới đất nước, nghĩ tới trách nhiệm của người lính, khi đất nước đang bị chia cắt bởi chiến tranh, chữ S ở đây là hình tượng của đất nước Việt Nam yêu quí. Mỗi khi nghĩ đến đất nước đang bị chia cắt thành hai miền chiến tuyến thì anh thấy những gì trong đó: Nỗi đau của dân tộc, trách nhiệm của chúng ta, chúng ta cần làm gì để hàn gắn con chữ bị chặt đôi đó. Câu thơ mang một thông điệp rất quan trọng, nó thể hiện tinh thần và ý chí của người lính trước sự đất nước bị chia cắt, cho dù phải hy sinh anh vẫn cam lòng. Vậy thì suy đoán về chữ S bị chặt đôi là có lý.
Vậy thì không còn gì phải nói thêm gì nữa, thể là tác giả đã phác họa tương đối đầy đủ về một bức tranh người lính với cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
“Chỉ là một mảnh pháo rơi/ Vào tay người lính thành nơi tâm tình”
Hai câu kết của bài thơ thật tuyệt vời, khi đọc lên tôi thấy lòng mình cảm khoái vô cùng, sự thật không thể kết thúc bài thơ bằng một câu thơ khác, nó đã nâng tầm bài thơ này lên một cấp độ cao hơn sự cảm nhận ban đầu của tôi, 2 câu thơ rất nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, và nghệ thuật cao. Không hiểu rồi đây có ai dịch bài thơ này bằng tiếng Anh hay tiếng Mỹ không?. Nhưng nếu những người lính Mỹ mà đọc được thì họ một lần nữa vô cùng cảm phục trước tinh thần bất khuất của người lính chiến Việt Nam và cũng là một lần nữa người Mỹ sẽ hiểu hơn vì sao họ lại thất bại trên chiến trường Việt Nam. Không những Người lính cụ Hồ họ coi cái chết “Như cày xong thửa ruộng” Đồng thời chính những người lính đó đã biến cái vũ khí giết người của Mỹ trở thành tác phẩm nghệ thuật vô giá của người lính. Tác phẩm nghệ thuật đó như xoa dịu nỗi đau mất mát của bao gia đình trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Một tác phẩm nghệ thuật là bức tranh thể hiện toàn cảnh về cuộc chiến và người lính. Trong bài thơ viết về cuộc chiến không hề có những câu từ than vãn khổ đau, hận thù, chua xót, nhưng với những câu từ nhẹ nhàng như vậy chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua bức họa thơ trên.

Tôi không biết nói gì thêm, một lần nữa cảm ơn tác giả đã cho tôi được thưởng thức một bài thơ lục bát viết về chiến tranh rất hay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bản quyền bởi Nhà thơ Bùi Văn Thanh
Địa chỉ: Số 22, ngõ 12, Đường Mê Linh, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc | Điện thoại: 0982.345.096 | Bảo trợ bởi: Thi đàn Việt Nam.